Thứ 4, Ngày 05 tháng 08 năm 2015, 08:32

Kỳ thi THPT quốc gia: Cho ta nhiều hy vọng - theo lời GS Hoàng Tụy

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 chứng tỏ ngành Giáo dục đã đi đúng hướng và thực hiện thành công bước đi đột phá đầu tiên trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT"

GD&TĐ - GS Hoàng Tụy là người luôn đau đáu quan tâm đến những bước đi đổi mới giáo dục, vậy nên khi đặt vấn đề xin được hỏi những nhận định của ông về kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức vừa qua, câu đầu tiên ông nói: "Tôi vừa gửi thư chúc mừng ông Bộ trưởng về những thắng lợi của kỳ thi. Vậy nên tôi đồng ý trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Để đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên được tổ chức năm 2015, Giáo sư sẽ bắt đầu từ đâu?
Theo tôi, muốn thấy được đầy đủ các mặt đổi mới, tiến bộ của kỳ thi THPT quốc gia 2015, trước hết phải nhìn lại cách thi cử của chúng ta một thời gian dài trước đây. 
Hẳn mọi người còn nhớ những năm trước mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ  không chỉ học sinh mà cả phụ huynh, toàn xã hội đều vất vả lo lắng, y như thể cả nước cùng đi thi vậy. Ở các nước Á Đông như Hàn Quốc, Trung Quốc, cách thi của họ nhẹ nhàng hơn ta mà dân họ còn kêu trời về cái họ gọi là “địa ngục thi cử” thì đủ biết  nạn thi cử ở ta khổ sở như thế nào.
Trước đây, thường có quan niệm cho rằng thi tốt nghiệp thì phải thi tất cả các môn. Để tránh học lệch, môn nào có học đều phải thi, cho nên thực tế là thi hầu hết các môn. Số ít những môn không thi thì thay đổi theo năm và chỉ được biết mấy tháng trước ngày thi. 
 
Cho  nên hằng năm, sau khi Bộ GD&ĐT công bố danh sách những môn thi tốt nghiệp thì các trường chỉ tập trung dạy và học các môn đó, gần như bỏ hẳn các môn khác, dẫn đến việc học càng lệch hơn. Và lại vì chỉ có mấy ngày thi mà kết quả quyết định cả công lao 12 năm đèn sách, cho nên tính rủi ro cao, học tài thi phận không phải là chuyện quá hiếm, tạo nên áp lực tinh thần và thêm một lý do dẫn đến nhiều cách đối phó tiêu cực của thí sinh (và cả phụ huynh, thầy giáo, trong một số trường hợp). 
 
Cái cảnh gần đến ngày thi các máy sao chụp hoạt động hết công suất để sản xuất các loại phao, rồi thi xong sân trường thi trắng phao vứt lại. Những chuyện đáng xấu hổ đó cứ tái diễn hằng năm. Thi tốn kém, vất vả như vậy mà thường chỉ trượt một số rất ít quá kém, số này thật ra đâu cần thi gì, chỉ dựa vào kết quả học tập năm cuối phổ thông cũng loại ra được ngay. Thật phi lý!
 
Căng thẳng nữa là một tháng tiếp sau kỳ thi tốt nghiệp THPT lại có mấy đợt thi “3 chung” vào đại học, cao đẳng. Suốt tháng đó, thí sinh các nơi đổ về mấy thành phố lớn, chui vào luyện thi trong những lớp học đông đúc chật chội đến nghẹt thở trong không khí nắng nóng oi bức.
 
Thi kiểu đó vô tình tạo ra hoặc chí ít cũng khuyến khích cách dạy và học lêch lạc, chỉ cốt học để thi cho đỗ, để có được mảnh bằng. Với  tâm lý học vì mảnh bằng là chủ yếu chứ đâu phải học để biết, để hiểu, để rèn luyện nhân cách thì làm sao có thể bảo đảm trung thực, nói gì đến phát triển tư duy phê phán, đầu óc sáng tạo – những phẩm chất tối cần thiết mà mọi nền giáo dục tiến bộ phải hướng tới trong thời đại ngày nay.
 
Đại khái thi cử nhiều năm trước là vậy. Có thấy rõ tính chất lạc hậu và những sự lãng phí vô lối của cách thi đó mới hiểu hết sự cần thiết cấp bách phải đổi mới thi cử và mới đánh giá đúng ý nghĩa cuộc đổi mới thi cử năm nay đối với cả tiến trình cải cách giáo dục.
 
Khi đặt vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện GD – ĐT, Giáo sư thường phê phán cách thi tốt nghiệp trước đây. Vậy nên quan niệm học và thi, nhất là thi tốt nghiệp, như thế nào mới đúng, mới thích hợp?
 
- Đây đúng là vấn đề cơ bản. Nếu sai ngay từ quan niệm thì thất bại là khó tránh khỏi. Cho nên trước hết phải có quan niệm đúng đắn về học và thi, hay nói trang trọng một chút là triết lý thi cử trong triết lý giáo dục. 
 
Thi tức là kiểm tra chất lượng học tập, thi tốt nghiệp là kiểm tra chất lượng đào tạo lần cuối trước khi ra trường. Cũng giống như kiểm tra sản phẩm của xí nghiệp trước khi xuất xưởng. 
 
Sản phẩm của một xí nghiệp gồm có nhiều chi tiết, bộ phận, mỗi cái được làm ra trong phân xưởng tương ứng rồi tập hợp lại, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để xuất xưởng. Mỗi chi tiết, mỗi bộ phận sau khi làm ra ở phân xưởng nào đều phải kiểm tra chất lượng ngay ở đó. Đến khi lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng, chỉ cần xem việc lắp ráp có vấn đề gì không, chứ không ai  đến lúc đó còn nhặt riêng từng chi tiết, bộ phận ra để kiểm tra lại chất lượng lần nữa.
 
Việc học tập trong nhà trường cũng tương tự như vậy. Một cấp học hay một quy trình đào tạo gồm nhiều nội dung, nhiều học phần. Mỗi học phần học đến đâu phải kiểm tra nghiêm túc đến đấy. Đến khi xét tốt nghiệp để cho  ra trường, nếu có thi thì cũng chỉ cần một cuộc thi để kiểm tra tổng quát giống như kiểm tra khâu lắp ráp khi cho xuất xưởng. Nếu thi tốt nghiệp mà phải thi tất cả hay hầu hết các môn như ta trước đây thì có khác gì khi lắp ráp thành phẩm mà nhặt lại từng chi tiết, bộ phận để kiểm tra chất lượng lần nữa.
 
Cho nên giải pháp đúng đắn là: Kiểm tra, thi từng học phần nghiêm túc trong suốt quá trình học. Khi kết thúc, nếu đã đạt yêu cầu với từng học phần thì được tốt nghiệp, không phải thi tốt nghiệp; hoặc chỉ cần một kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng để kiểm tra thu nhận tổng hợp qua cả quá trình học tập 12 năm (ví dụ bảo vệ một tiểu luận nhỏ, như tại nhiều trường phổ thông ở các nước phát triển). Khác hắn cách học ở ta: trong suốt quá trình học thì coi nhẹ kiểm tra, đến cuối quá trình thì thi dồn dập, căng thẳng, thi từng học phần đã học trong một thời gian ngắn.
 
Vậy Giáo sư đánh giá như thế nào về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015?
- Theo tôi Kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã thật sự đổi mới. Nhờ dựa trên quan niệm đúng đắn về thi cử nên tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho thí sinh và tạo điều kiện thúc đẩy việc dạy và học theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tích cực.
 
Một thay đổi lớn là thay cho hai kỳ thi riêng biệt cách nhau một tháng, nay gộp lại chỉ còn một kỳ thi duy nhất, vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Chỉ riêng điều này đã tiết kiệm được một khối lượng lớn công sức, tiền của cho xã hội và Nhà nước. Bớt một kỳ thi là bớt biết bao công việc căng thẳng và tốn kém từ khâu ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, rồi công bố kết quả cho hàng triệu thí sinh. Chỉ nguyên cái việc ra đề thi và đảm bảo bí mật cũng đã quá vất vả, chưa nói việc di chuyển của hàng triệu con người trong một thời gian ngắn ở từng địa bàn hẹp. Cho nên việc rút gọn chỉ còn một kỳ thi là một cải tiến lớn.
 
Thật ra cái ý tưởng rút gọn này đã có từ nhiều năm trước, nhưng bây giờ mới thực hiện được. Vấn đề phức tạp ở chỗ thi tốt nghiệp và thi tuyển vào đai học có những yêu cầu rất khác nhau, không dễ kết hợp được trong một kỳ thi duy nhất. Nếu làm không tốt, không đúng, sẽ còn tai hại hơn là cứ để hai kỳ thi như cũ.
 
Rất may là kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã giải quyết được mắc mứu đó, để có một kỳ thi "hai trong một" thành công. Mấu chốt của sự cải tiến này là dựa vào tư duy đổi mới về thi tốt nghiệp THPT như đã nói ở trên. Nếu cứ thi tốt nghiệp kiểu cũ, nghĩa là thi hầu hết các môn và hoàn toàn không chú ý gì đến thành tích học tập của thí sinh ở trường, thì đúng là không cách nào vừa thi như thế lại vừa kết hợp phục vụ sự tuyển chọn vào đại học, cao đẳng. Nhưng nhờ thay đổi quan niệm, coi thành tích học tập ở phổ thông cũng là một căn cứ khi xét tốt nghiệp, và thi tốt nghiệp chỉ cần kiểm tra một số môn cơ bản. 
 
Do đó, để cuộc thi có thể giúp các đại học có thông tin phục vụ việc tuyển chọn thì ngoài các môn cơ bản, cho thí sinh được tự chọn nhiều môn thi phù hợp với năng lực sở trường để tổ hợp thành các nhóm môn theo yêu cầu xét tuyển của từng khối ngành đại học.
 
Cách thiết kế kỳ thi THPT quốc gia như thế rất hợp lý. Khâu tổ chức thực hiện cũng khá suôn sẻ, tuy không tránh khỏi một số hạn chế, thiếu sót mà rồi đây Bộ GD&ĐT sẽ phải rút kinh nghiệm cho năm sau. Nhưng cơ bản đây là một thành công đáng kể, một thắng lợi quan trọng bước đầu trong trận đánh lớn của ngành Giáo dục, như lời ông Bộ trưởng đã nói khi phát động cuộc đổi mới toàn diện, cơ bản nền giáo dục.
 
Nhiều người cho rằng khâu sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh ĐH-CĐ rắc rối quá. Tôi nghĩ đối với các đại học thì kiểu thi cũ với mấy đợt thi 3 chung có thể dễ hơn cho việc sử dụng để tuyển sinh, nhưng đối với thí sinh và xã hội lại căng thẳng và tốn kém quá mức cần thiết. Nay tất cả gộp lại trong một kỳ thi duy nhất, đương nhiên cách sử dụng để tuyển sinh ĐH-CĐ phải phức tạp hơn, nhưng thí sinh và xã hội đỡ căng thẳng và tiết kiệm được nhiều công sức, tiền của. Thế thì cái giá phải trả để đỡ cho thí sinh và xã hội một gánh nặng như vậy chẳng có gì quá đáng.

Đăng ký tuyên sinh

Bạn có mong muốn đăng ký dự tuyển vào trường? Vui lòng điền thông của bạn đầy đủ và chính xác theo mẫu dưới đây!

Nhà trường sẽ liên hệ theo thông tin bạn cung cấp để tư vấn.

Tra cứu

Bạn có mong muốn đăng ký dự tuyển vào trường? Vui lòng điền thông của bạn đầy đủ và chính xác theo mẫu dưới đây!

TRƯỜNG TRUNG CẤP CỘNG ĐỒNG HÀ NỘI

Liên hệ